7. Ban thờ Thiên Thánh Tổ

Ban thờ số 7 được cho là thờ Thân mẫu (hoặc Thân phụ) của Đức Thánh Tổ. Hiện chúng tôi không có tư liệu để có thể giúp khẳng định đây là Thân mẫu hay Thân phụ của Đức Thánh Tổ. Vì vậy, chúng tôi không dám đưa ra nhận xét gì, chỉ xin cung cấp một số thông tin liên quan như sau:

Thân phụ của Đức Thánh Tổ họ Từ tên Vinh. Về ngài Từ Vinh, sách xưa chép rất sơ lược. Sách Lĩnh nam chích quái chép truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, trong đó có nói qua về ngài Từ Vinh, đại ý như sau:

Ngài Từ Vinh làm chức tăng quan đô sát ở triều Lý, thường qua chơi làng An Lãng, lấy con gái người họ Tăng tên là Loan, nhân thế ở lại đó. Đức Thánh Tổ là do bà họ Tăng sinh ra.

Đức Thánh Tổ khi nhỏ tên là Từ Lộ. Thuở niên thiếu, Từ Lộ thích giao du hào hiệp, phóng khoáng, có chí lớn, hành động ngôn ngữ không ai có thể lường được, thường cùng kẻ nho giả Mãi Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người con hát là Phan Ất kết bạn. Đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì thổi sáo đánh cầu, vui sự chơi bời. Cha mẹ thường trách là trễ nải, một đêm ghé dòm qua khe cửa vào trong phòng thấy ngọn đèn gần tàn, sách vở chồng chất, Lộ gục xuống án mà ngủ, tay vẫn chưa rời khỏi sách; do đó cha mẹ không còn lo nghĩ nữa. Sau Lộ dự kỳ thi tăng hương thí, đỗ khoa Bạch Liên.

Không bao lâu, cha dùng pháp thuật làm phật ý Diên Thành hầu, Diên Thành sai Đại Điên thiền sư dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi tới cầu An Quyết, đến trước cửa nhà Diên Thành hầu, hốt nhiên đứng dựng lên ở đấy suốt một ngày không trôi đi. Diên Thành hầu sợ hãi nói với Đại Điên, Đại Điên đến và hét lên rằng: “Người đi tu không được phép giận quá một ngày” Dứt lời thây đổ xuống mà trôi đi.

Lộ nghĩ việc báo thù cho cha nhưng chưa nghĩ ra mưu kế. Một hôm, rình Đại Điên ra ngoài, gây sự định đánh, bỗng nghe thấy trên không trung có tiếng thét ngăn lại. Lộ sợ hãi quăng gậy mà đi.

Từ Lộ muốn sang chùa Ấn Quốc cầu phép lạ để đánh Điên, đường đi qua đất rợ Kim Sỉ (răng vàng) thấy hiểm trở bèn quay về ([1]), ẩn cư ở núi Phật Tích, thường ngày đọc kinh Đại-bi-đà-la, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần. Một hôm, thấy có thần nhân đến trước mặt mà nói rằng: “Kẻ đệ tử tức là Trấn Thiên Vương, cảm phục thày có công trì kinh nên lại đây để thày sai khiến”. Lộ biết là đạo pháp đã thành, thù cha có thể rửa, bèn thân đến cầu An Quyết, cầm cây gậy chống ở tay ném xuống dòng nước chảy xiết. Gậy đi ngược dòng nước tới cầu Tây Dương thì dừng lại. Lộ mừng mà nói rằng: “Phép của ta thắng được Đại Điên rồi!” Bèn đến thẳng chỗ Điên ở, thấy Điên nói rằng: “Mày không nhớ chuyện ngày trước sao?” Nói rồi nhìn lên không trung, tịnh không thấy gì, bèn đánh liền. Điên phát bệnh mà chết. Từ đó, thù xưa đã rửa, tục lự nguội dần (tục lự: lo âu trong cuộc sống trần tục), mới du ngoạn các miền rừng rú để tìm dấu Phật.

Sách Việt Điện U Linh Tập có bổ sung thêm thông tin sau:

Xác ngài Từ Vinh trôi đến sông Hàm Rồng làng Nhân Mục Cựu thì dừng lại. Người ta thấy có linh dị, làng ấy chôn cất rồi dựng miếu, tạc tượng mà phụng thờ, mỗi năm ngày mồng mười tháng giêng là ngày kỵ.

Bà mẹ chôn ở chùa Ba Lăng làng Thượng An, tức nay là chùa Hoa Lăng, chùa ấy thờ hai vị thánh phụ và thánh mẫu.

Đó là sơ lược thông tin về thân phụ của đức Thánh Tổ.

Về thân mẫu của Đức Thánh Tổ, sách xưa cũng chép rất sơ lược như đã nêu ở trên.

Hiện nay, tại Hà nội, gần chùa Láng về phía ngã Tư Sở có chùa Nền, tên chữ là Đản Cơ Tự, nguyên trước là đền thờ song thân của đức Thánh Tổ, dựng trên nền ngôi nhà cũ của Ngài. Sau chuyển thành chùa Nền. Chùa Nền cùng với chùa Láng và đình Ứng Thiên là các địa danh gắn liền với việc hình thành kinh đô Thăng Long thời Lý.


([1]) Trong Việt Điện U Linh Tập (của Lý Tế Xuyên) chép truyện Sự tích Từ Đạo Hạnh Đại Thánh, trong đó nói rằng đức Thánh Tổ cùng Minh Không và Giác Hải có sang tới Tây Thiên học đạo.

Leave a comment