a. Lời dẫn

Chúng tôi hiểu rằng giữa cõi người và cõi Thánh luôn có một bức màn huyền bí. Nếu không có bức màn ấy thì cõi Thánh trở nên quá gần với phàm tục. Nhưng nếu bức màn ấy quá lớn, quá mịt mù thì sẽ khiến người ta bị mê hoặc, mê tín quá mức, hoặc bị lợi dụng vì những mục đích không chính đáng, hoặc không hiểu đúng và đủ về những gì mình đang thờ phụng. Bởi thế, trong một chừng mực nào đó, cần phổ biến để mọi người cùng biết phần nào về các vị được phụng thờ tại đền Thượng.

Đền Thượng là nơi thờ phụng đức Văn Xương Đế Quân Quan Thánh Đế Quân, vì vậy, việc hiểu về thân thế và thông lệ thờ phụng các vị cũng như các vị phối thờ đi kèm là điều cần thiết. Trong hai vị được thờ chính tại đền Thượng thì Quan Thánh Đế Quân là vị được hiểu rõ hơn. Có được điều này là do ảnh hưởng cực kỳ rộng lớn của cuốn tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Mặt khác, tín ngưỡng thờ phụng Quan Thánh Đế là rất phổ biến trên hầu khắp khu vực Châu Á. Ví như ở Trung Quốc, Ngài trở thành vị thánh của Đạo giáo có nhiều đền miếu thờ nhất.

Còn về đức Văn Xương Đế Quân thì không phải ai cũng biết, ngay cả người Trung Quốc, mặc dù đức Văn Xương Đế Quân là một vị thánh chiếm vị trí rất cao và được thờ phụng từ khá sớm trong cả Đạo giáo lẫn trong tín ngưỡng dân gian. Ở Việt nam, việc thờ phụng đức Văn Xương Đế Quân hiện nay cũng không phổ biến, nếu không muốn nói là rất hiếm, nhất là ở khu vực miền Bắc. Nếu không tính đến số đền miếu của người Hoa ở Việt nam có thờ đức Văn Xương Đế Quân thì phải nói rằng số địa điểm thờ phụng Ngài tại Việt nam hiện còn lại rất ít ỏi.

Vì vậy, trong phần này, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu một số thông cần thiết đủ để phác họa chân dung của hai vị cũng như các vị thường được phối thờ với hai vị trong tín ngưỡng Đạo giáo.

Riêng về hai vị phối thờ với đức Văn Xương Đế Quân, chúng tôi có phần Phụ chú giới thiệu một số quan điểm khác nhau về các vị này. Đây là các thông tin chúng tôi sưu tầm được từ nhiều nguồn khác nhau và từ việc khảo sát tại đền Ngọc Sơn (Hà nội), ngôi đền có rất nhiều điểm tương đồng với đền Thượng của Thụy Khuê, cũng như khảo sát tại Văn Xương Các tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long).

Dựa trên các quan điểm khác nhau về danh tính hai vị phối thờ với đức Văn Xương Đế Quân, cũng như thông tin về hai vị phối thờ với đức Quan Thánh Đế, chúng tôi cũng mạo muội đưa vào phần Phụ bàn về các vị trí tứ phối tại đền Thượng, trong đó nêu ra một số giả thiết về danh tính bốn vị phối thờ tại đền Thượng để các vị có hiểu biết rộng nghiên cứu thêm nhằm góp phần khẳng định rõ hơn về các vị phối thờ này tại đền Thượng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sưu tầm và giới thiệu một số thông tin về đức Thánh Trần, ngài Phạm Ngũ Lão, thân phụ và thân mẫu của Đức Thánh Tổ.

Về vị Chu tướng quân thì chúng tôi không có thông tin gì đáng kể để có thể cung cấp nên đành để trống; còn về thập nhị vị thần tiên thì chúng tôi cũng mạo muội nêu ra hai giả thiết để các vị có hiểu biết quan tâm xem xét và chỉ bảo cho.

Do hiểu biết có hạn, thời gian và khả năng sưu tầm tư liệu vẫn còn chưa đủ nên các thông tin mà chúng tôi cung cấp ở phần này chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Nhân đây, chúng tôi cũng mong chư vị chỉ bảo giúp cho để góp phần làm sáng tỏ thêm về các vị được phụng thờ tại đền Thượng cũng như về các chi tiết khác liên quan đến đền Thượng. Chúng tôi xin chân thành cám ơn.

Leave a comment