Đền Thượng ra đời như thế nào?

Thời điểm xây dựng

Tư liệu do nhà đền cung cấp (bản chép tay, được cho là chép theo thông tin của Sở Văn hóa Hà Tây) cho biết đền được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (1533-1789). Tuy nhiên, theo chúng tôi thì đây là thông tin chưa chính xác.

Chúng tôi đã tham khảo phiên âm của văn bia “Bối Am miếu bi ký” tại khu vực đền Thượng thì thấy ở phần Phụ ký có chép : “Bính Tý (1876) Văn Miếu khởi công”. Bia này được khắc vào năm 1881. Như vậy, có thể cho rằng đền Thượng được khởi công vào năm 1876, và hoàn thành vào năm 1881 hoặc trước đó chút ít, trong giai đoạn trị vì của vua Tự Đức (1847 -1883).

Điều này là hợp lý và giúp giải đáp được được câu hỏi mà bấy lâu nay chúng tôi vẫn băn khoăn chưa tìm ra lời đáp. Đó là: Nếu đền Thượng được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (1533-1789) thì tại sao trong sách Lịch triều hiến chương loại chí nhà bác học Phan Huy Chú lại không nhắc gì tới đền Thượng này ở Thụy Khuê mà chỉ nhắc tới ngôi đền Tử Đồng Đế Quân (cũng gọi là đền Thượng, cũng thờ Tử Đồng Văn Xương Đế Quân) trên núi Hoàng Xá ? Xin lưu ý là nơi cụ Phan ngồi soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí là Am Thái Lão, ngay dưới đền Thượng, chỉ cách mươi bước chân.

Với thông tin mới này thì câu trả lời dường như đã rõ, đó là: khi cụ Phan Huy Chú soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí (từ năm 1809 đến 1819) thì đền Thượng vẫn chưa được xây dựng.

Tuy nhiên, do hiện tại trong số các bộ phận nguyên bản còn sót lại của đền Thượng vẫn còn 4 đầu rồng lớn với mô típ điêu khắc đặc trưng của thời Lê Trung Hưng, vì vậy chúng tôi cũng tự đưa ra một giả thiết rằng: liệu thời điểm 1876 – 1881 có phải là thời điểm mà đền Thượng được trùng tu lớn, còn trước đó đã có một ngôi “Văn miếu” nhỏ hay không?

Theo chúng tôi, câu trả lời là “không”; vì nếu là trùng tu thì điều này phải được ghi trong tấm bia nói trên, hoặc một tấm bia nào đó khác.

Mặt khác, về chiết tiết đầu rồng thời Lê Trung Hưng, theo chúng tôi việc đền được làm vào triều Nguyễn nhưng sử dụng mô típ điêu khắc của thời Lê Trung Hưng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Đồng thời, cũng khó có thể cho rằng đền đã được xây dựng trong thời Lê Trung Hưng ở quy mô nhỏ và đến 1876 – 1881 được trùng tu và nâng cấp lên quy mô lớn hơn. Lý do là vì bản thân bốn hình đầu rồng nguyên bản này đã có kích thước lớn và hợp với quy mô hiện tại của ngôi đền chứ không thể hợp với một quy mô nhỏ hơn. Như vậy, nếu trước đó đã có một ngôi Văn miếu với quy mô tương tự như hiện nay thì hẳn cụ Phan Huy Chú đã nêu trong sách Lịch triều hiến chương loại chí.

Mặc dù vậy, cứ cho rằng cụ Phan chỉ chọn ra một điểm danh thắng của núi Sài Sơn là chùa Thầy làm đại biểu để nêu trong sách (lý do là chùa Cao và chùa Một Mái cũng không được nêu) thì chúng tôi cũng vẫn còn một lập luận nữa chứng minh rằng đền Thượng chỉ được xây dựng mới trong khoảng 1876 – 1881. Lập luận đó như sau:

Chúng tôi đã có bản phiên âm văn bia “Bối Am Miếu bi ký” (văn bia đền Thượng). Theo văn bia này thì năm 1880 mua được (có thể là xã Thụy Khuê nói chung hoặc Văn hội Thụy Khuê mua được) ruộng của một người Vĩnh Lộc, ruộng tại Vĩnh Lộc, diện tích là 4 sào; mùa hạ năm 1881 lại mua được ruộng của giáp Thượng, tổng Khánh Tân, ruộng tại Phùng Xá, diện tích là 1 mẫu 1 sào. Như vậy, tổng diện tích mới mua được là 1 mẫu rưỡi (15 sào). Mục đích là dùng để phụng sự các lễ tiết và duy trì đèn nhang hàng năm.

Văn bia quy định hàng năm nhà đền phải thực hiện 3 lệ (ngày 3/2, ngày 24/6, tiết xôi mới), kiêm sửa lễ sang chùa Cả nhân dịp lễ hội 7/3, và đèn nhang quanh năm, đồng thời quy định cụ thể diện tích ruộng dùng để phụng sự từng việc ấy.

Theo quy định ấy, và theo tính toán của chúng tôi thì toàn bộ diện tích ruộng nói trên (1 mẫu rưỡi) đã được phân bổ hết để sử dụng vào các việc trên (3 lệ hàng năm, kiêm sửa lễ sang chùa Cả vào dịp hội 7/3, và dầu nhang quanh năm) ([1]). Ngoài ra, không có thêm diện tích nào khác.

Như vậy, có thể suy luận rằng tới thời điểm tấm bia trên được lập (1881) thì đền Thượng mới được xây dựng xong (hoặc xong trước đó chút ít). Bởi vì nếu cho rằng đền đã có từ lâu trước thời điểm 1881, như từ thời Lê Trung Hưng (1533-1789) chẳng hạn, thì chắc chắn nhà đền đã phải có ruộng để phụng sự các công việc cần thiết như trên đã nói, không thể chờ tới tận 1880 và 1881 mới có. Vả lại, nếu trước đó đã có ruộng thì trong bia này cũng phải gộp cả phần ruộng đã có từ trước để quy định lại. Nhưng theo tính toán của chúng tôi thì hoàn toàn không có chút ruộng nào khác ngoài diện tích ruộng mới mua được như trên đã nói.

Như vậy, rõ ràng không thể có chuyện đền đã được xây dựng từ lâu trước thời điểm 1876 mà không hề có một chút ruộng nào để sử dụng vào các công việc lễ tiết và dầu nhang quanh năm của nhà đền.

Vì vậy, chúng tôi vẫn cho rằng đền Thượng được xây dựng trong khoảng thời gian 1876 – 1881. Tuy nhiên, cũng xin coi đây là một nghi vấn, chờ ý kiến các vị có hiểu biết sâu rộng hơn hoặc chờ tới khi có căn cứ, bằng chứng khác thuyết phục hơn.

Từ đây về sau, chúng tôi sẽ sử dụng thời điểm 1876-1881 làm mốc khởi dựng của đền Thượng để thực hiện các phân tích nhằm làm rõ một số điểm khác còn chưa thông tỏ.

Ý phụ:

Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy: thời Nguyễn, các vua thường cho đúc tiền mỹ hiệu (còn gọi là tiền ban thưởng, dùng để ban thưởng, nằm ngoài hệ thống tiền tệ phát hành để chi dùng trong dân chúng ). Trong thời gian từ khoảng 1861 đến 1888, vua Tự Đức cho phát hành một số loại tiền mỹ hiệu, trong đó có một loại mà mặt sau của đồng tiền ấy có đúc nổi tám chữ mỹ hiệu “Bác hậu phối địa, Cao minh phối thiên”.

Đền Thượng cũng có tấm hoành phi “Cao minh phối thiên” trong hậu cung, được cho là nguyên gốc từ khi khởi dựng. Vậy phải chăng chữ “cao minh phối thiên” của bức hoành phi này là xuất phát từ những chữ mỹ hiệu của đồng tiền ban thưởng nói trên, tức là trong khoảng 1861 đến 1883 ?

 Bối cảnh ra đời

a.  Những biến động lớn về chính trị – xã hội

Đền Thượng được xây dựng trong giai đoạn chế độ phong kiến triều Nguyễn đã sắp kết thúc; khoa thi chữ Hán cuối cùng được tổ chức vào năm 1919.

Đây cũng là giai đoạn lịch sử với nhiều biến cố rất lớn của đất nước. Năm 1858, Pháp tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Bằng hòa ước 1862, Pháp đặt nền đô hộ Nam Kỳ.

Năm 1873, Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất. Thiếu tướng Dupré ở Nam Kì lấy cớ loạn Jean Dupuis ở Hà Nội nên sai đại úy hải quân Françis Garnier đem quân tấn công thành Hà Nội. Chỉ một giờ thì thành vỡ, tướng Nguyễn Tri Phương bị thương nặng. Bị Pháp bắt, ông không cho băng bó và nhịn ăn đến chết. Trong 20 ngày, miền bắc mất 4 tỉnh.

Khi ấy có Lưu Vĩnh Phúc là đầu đảng của giặc Cờ Đen về hàng triều đình Huế, vua Tự Đức phong cho chức Đề đốc để phụ đánh quân Pháp. Lưu Vĩnh Phúc đem quân ra đánh thành Hà Nội. Françis Garnier đem quân ra nghênh thì bị phục kích chết ở cầu Giấy.Parisbiết chuyện nên triệu thiếu tướng Dupré về Pháp. Dupré tìm cách đỡ tội, sai đại úy hải quân Paul-Louis-Félix Philastre ra Hà Nội để trả lại thành và 4 tỉnh bị chiếm.

Năm 1882, Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai. Thống đốc Le Myre de Vilers gởi thư cho triều đình Huế nói rằng Pháp phải trấn an miền Bắc để bảo vệ quyền lợi của dân Pháp. Một mặt Le Myre de Vilers gửi đại tá hải quân Henri Rivière ra Hà Nội, đưa tối hậu thư cho quan Tổng đốc Hoàng Diệu bắt phải hàng. Đúng 8 giờ sáng, quân Pháp tấn công, 11 giờ thì thất thủ, ông Hoàng Diệu treo cổ tự vẫn.

Khâm sai Pháp ở Huế là Rheinart sang thương thuyết, trong đó đòi nước Việt Nam phải nhận nước Pháp bảo hộ và nhường thành thị Hà Nội cho Pháp. Triều đình cho người sang cầu cứu Trung Quốc. Triều đình nhà Thanh được dịp bèn gửi quân qua đóng hết các tỉnh Bắc Ninh và Sơn Tây. Quân Pháp và quân Trung Quốc giao tranh. Đại tá Henri Rivière bị quân Cờ Đen giết tại cầu Giấy.

Năm 1884, bằng hòa ước Patenôtre, triều đình Huế công nhận sự bảo hộ của Pháp, chia nước ta thành hai khu vực: Bắc kỳ và Trung Kỳ, do triều đình cai trị, nhưng thực quyền nằm trong tay người Pháp.

Từ thế kỷ 18, các giáo sỹ phương Tây vào nước ta truyền đạo, học tiếng Việt để giảng đạo và dùng chữ cái La tinh ghi âm tiếng Việt. Giáo sỹ Bồ Đào Nha đã soạn cuốn Từ vựng An Nam – Bồ Đào NhaTừ vựng Bồ Đào Nha –An Nam. Năm 1651, Alexandre de Rhodes (thường gọi là A lếch xăng đờ Rốt) xuất bản cuốn Từ điển An Nam – Bồ Đào và La tinh. Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, Pignean de Behaine (Tức Bá Đa Lộc) và Taberd Crabe soạn Từ điển An Nam – La Tinh, xuất bản năm 1836. Qua mấy thế kỷ, chữ quốc ngữ có nhiều sửa đổi, dần dần thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm, và trở thành văn tự phổ biến và chính thống của nước ta.

Ở Nam Kỳ, bằng Nghị định từ năm 1879, việc tổ chức nền học chính đã đã đưa chữ quốc ngữ và cả chữ Pháp vào chương trình học và thi cử. Bên cạnh chữ Hán, việc học tập và thi cử đều do chính quyền Pháp tổ chức.

Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, từ năm 1905, toàn quyền Paul Bean chủ trương cải cách giáo dục, lập Hội đồng cải cách giáo dục toàn Liên bang Đông Dương; năm 1906, lập Nha học chính Đông Dương.

Năm 1906, thời Vua Thành Thái (1889-1907), ra sắc lệnh cải cách giáo dục theo đường lối giáo dục của Pháp đề ra. Việc cải cách này chú trọng dạy chữ quốc ngữ, chữ Pháp, chấm dứt sự độc tôn của chữ Hán ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, nhưng không bỏ hẳn chữ Hán ở Nam Kỳ. Việc học từ đó chia làm ba bậc: ấu học, tiểu học, và trung học.

Bậc ấu học được tổ chức tại các làng xã, do các thầy đồ dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ. Học hết bậc này, thi lấy bằng tuyển sinh. Bài thi bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ.

Bậc tiểu học mở ra để dạy các học sinh tại các phủ, huyện, do các Giáo thụ, Huấn đạo trông nom. Ngoài Tứ thư, Ngũ kinh, học sinh còn học thêm Nam sử và chữ Hán. Chữ quốc ngữ được dùng làm chữ viết. Có một số ít người tình nguyện học thêm chữ Pháp. Đặc biệt, bậc học này không dạy câu đối, thơ, phú, văn bác cổ. Học hết bậc này, thi bằng Khóa sinh được tổ chức tại tỉnh lỵ.

Bậc trung học mở dạy các khóa sinh ở các tỉnh lỵ, do đốc học điều khiển. Đốc học dạy chữ Hán, các giáo viên trường Pháp Việt dạy chữ quốc ngữ và cả chữ Pháp.

Các môn học ở các bậc trên vẫn lấy Tứ thư, Ngũ kinh làm gốc, ngoài ra, còn học thêm một vài môn như Vạn vật, Lịch sử, Địa lý, Toán học, v.v….

Tại Huế, vẫn duy trì trường Quốc Tử Giám, nhưng bên cạnh có mở thêm trường Hậu bổ đào tạo các quan lại về hành chính và trường Quốc học dạy toàn tiếng Pháp. Tại Hà nội, cũng mở trường Sỹ hoạn (tương đương với trường Hậu bổ) và trường Bảo hộ (tương đương với trường Quốc học).

Các tỉnh lỵ, phủ, huyện lớn còn mở thêm trường tiểu học Pháp – Việt cho học sinh không muốn theo học chương trình chữ Hán.

Hết bậc học này, thi lấy bằng cơ thủy và được vào học ở trường Quốc học hoặc trường Bảo hộ.

Các kỳ thi Hương dưới các thời Thành Thái (1/1889 – 7/1907), Duy Tân (1907 – 1916), Khải Định (1916 – 1925) đều có sửa đổi. Các trường thi Hương cũng bị giảm bớt, chỉ còn lại 4 trường ở miền Trung là trường Thừa Thiên, trường Bình Định, trường Nghệ An, và trường Thanh Hóa; và một trường tại miền Bắc là trường Hà Nam.

Triều đình đặt thêm Bộ Học để trong coi việc học hành và thi cử. Bài thi không còn thi thơ phú, kinh nghĩa mà thay vào đó là về Kinh truyện, Bắc sử, Nam sử, Địa lý, Pháp luật Đông Dương, Chính trị, Luận chữ Hán, Luận quốc sử, bài tình nguyện dịch tiếng Pháp ra quốc ngữ (không bắt buộc). Đặc biệt, các kỳ thi Hương quy định cho điểm từ 0 đến 20. Qua các kỳ thi, nếu thí sinh đạt từ 30 đến 39 điểm thì cho đỗ Tú tài; từ 40 điểm trở lên phải qua kỳ thi phúc hạch và ở kỳ phúc hạch phải đạt 7 điểm trở lên mới cho đậu Cử nhân.

Chương trình thi Hội và thi Đình cũng sửa lại cho hợp với chương trình học mới. Năm 1915, đời Vua Duy Tân (1907-1916), khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức tại miền Bắc.

Năm 1918, đời Khải Định (1916-1925), tổ chức khoa thi Hương cuối cùng tại Nghệ An, Bình Định (cho 4 trường sát nhập lại) và năm sau, 1919, tổ chức khoa thi Hội cuối cùng, chấm dứt việc học và thi cũ.

Ngày 21 tháng 12 năm 1917, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ấn định lại việc thi. Nha Tổng Giám đốc Học chính Đông Dương bãi bỏ chương trình cải cách năm 1906, ban bố học quy mới, áp dụng trên toàn cõi Đông Dương. Việc học được chia làm 3 bậc, gồm Tiểu học, Trung học, và Đại học.

Trong bối cảnh có nhiều biến động chính trị xã hội lớn như vậy, triều Nguyễn cũng là giai đoạn có sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức về thời cuộc của các sỹ phu nước nhà, dẫn tới nhiều cuộc nổi loạn và khởi nghĩa, cụ thể là trong suốt triều Nguyễn đã diễn ra đến 500 cuộc nổi loạn và khởi nghĩa lớn nhỏ, riêng thời Minh Mạng (1820-1841) có 250 cuộc (Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I)

b.  Phong trào thiện đàn đối với cuộc vận động ái quốc ([2]) từ nửa cuối thế kỷ 19 tới nửa đầu thế kỷ 20 và vai trò của đền Ngọc Sơn

Trong bối cảnh các biến động chính trị xã hội lớn như trên đã nói, trên địa bàn cả nước nói chung và vùng châu thổ Bắc Bộ nói riêng đã dấy lên phong trào thiện đàn, chấn hưng văn hóa dân tộc vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của văn minh ngoại lai phương Tây, cũng như phong trào yêu nước yêu nước chống Pháp. Một trong các biện pháp che mắt nhà cầm quyền lúc bấy giờ là tổ chức các hội Hướng thiện, đặc biệt là hội Hướng thiện đền Ngọc Sơn (Hà Nội), ngôi đền cũng thờ Văn Xương Đế Quân và Quan Thánh Đế Quân, nhằm giảng giải kinh sách của các bậc thần thánh, các anh hùng dân tộc, các nhà tiên nho, nhà văn hóa của nước ta, qua đó lồng vào tư tưởng yêu nước. Một phần rất lớn các kinh sách này là được soạn ra dưới hình thức giáng bút tại các thiện đàn mở ra trên hầu hết các tỉnh miền Bắc nước ta như Hà  Nội,  Nam  Định,  Hà  Đông,  Sơn  Tây,  Hải  Dương,  Bắc  Ninh,  Bắc  Giang,  Thái  Bình,  Thái Nguyên, Hải Phòng, Ninh Bình, Hưng Yên, Phúc Yên,…. 

Về số lượng thiện đàn tại các địa phương, xin giới thiệu sơ qua như sau. Theo Hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm của học giả Đào Duy Anh (xuất bản năm 1989): Hà nội có quán Trấn Vũ và đền Ngọc Sơn là hai thiện đàn có tiếng, Nam định có thiện đàn Đồng Lạc, thiện đàn cung Thiên Trường, thiện đàn xã Hành Thiện, thiện đàn xã Hạc Châu (huyện Xuân Trường), thiện đàn xã Phương Đề (huyện Trực Ninh); các tỉnh khác: Hà Đông có 3 đàn, Bắc Ninh có 1 đàn, Phúc Yên có 4 đàn, Vĩnh Yên có 1 đàn, Sơn Tây có 1 đàn, Hưng Yên có 5 đàn, Thái Bình có hàng chục đàn, Bắc Giang có 4 đàn, Thái Nguyên có 4 đàn, Phú Thọ có 1 đàn. Đó là chỉ kể những đàn mà cụ Đào Duy Anh thấy có kinh sách lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội.

Theo con số mà Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện công bố tại Hôi nghị Quốc tế về chữ Nôm, tổ chức vào các ngày 12-13 tháng 11 năm 2004, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam – Hà Nội, thì số lượng các thiện đàn mà hiện còn biết được là 98 thiện đàn, một số lượng rất lớn.

Nhân tố hạt nhân của phong trào thiện đàn, khuyến thiện, chấn hưng văn hóa dân tộc ấy chính là đền Ngọc Sơn (Hà Nội), nơi Hội Hướng thiện tổ chức các thiện đàn, in ấn, phát hành, tuyên truyền giảng giải kinh sách đều đặn vào các ngày mùng 2 và ngày 16 âm lịch hàng tháng (cụ Vũ Đình Hòe nói là vào các ngày Sóc Vọng – mùng 1 và ngày rằm hàng tháng) nhằm khuyến thiện, kêu gọi chấn hưng văn hóa truyền thống và khích lệ lòng yêu nước. Kinh sách in ra được phát hành theo phương châm Thư lai địa địa, tuyên truyền vạn vũ (sách đến mọi nơi, tuyên truyền khắp chốn). Nhiều thiện đàn các địa phương khác cũng tới đền Ngọc Sơn mượn ván in để tổ chức in ấn tại địa phương mình.

Về vai trò của đền Ngọc Sơn trong cuộc vận động ái quốc ấy, bài viết “Thăm lại đền Ngọc Sơn”, viết cuối thu 2008, của cụ Vũ Đình Hòe, vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ lâm thời do Hồ Chủ tịch đứng đầu thành lập ngay sau Cách mạng Tháng Tám, cho biết:

Giảng đàn Ngọc Sơn quả đã đóng góp phần mình vào cuộc “gây Men văn hóa” cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công oanh liệt, chớp nhoáng ở ngay thủ đô Thăng Long ngàn năm văn hiến. Sự đóng góp thầm lặng ấy của các đàn giảng kinh rải rác khắp nước mà Đàn giảng Ngọc Sơn là một trong những ngọn cờ tiên phong, còn ít được các nhà sử ở ta nói đến.

Nhưng Bác Hồ thì nắm rõ. Cho nên ngay sau khi tiếng nổ động trời Mùa Thu vang ra khắp thế giới và bọn thực dân Pháp vội nhen lửa tái xâm lăng ở Sài Gòn, Bác của chúng ta đã tự thân đến thăm Hội Thiện của Đền Ngọc. Chánh hội lúc đó là cụ Vũ Bội Hoàn cùng toàn Ban Trị sự đón rước Cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời ở ngay cái Giảng đàn này đây.

Người khen ngợi: “Các cụ đã cao niên mà còn ra sức khuyến thiện trừ tà. Còn gì quý bằng! Tôi xin phép gợi một ý nhỏ: Trước đây các cụ làm việc vận động một cách kín đáo, phải che đậy khéo léo. Từ nay sẽ nói thẳng vào mặt chúng, bọn xâm lược hùm beo và lũ chó săn nhơ nhuốc: Trên đời tội ác lớn nhất là xâm lược, áp bức bóc lột; điều thiện cao cả nhất là độc lập, tự do!”. (Trích nguyên văn)

Theo nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, người có nhiều năm nghiên cứu về đền Ngọc Sơn, đền Ngọc Sơn không phải do một cá nhân nào hay một tổ chức tôn giáo nào dựng lên mà do Hội Hướng Thiện với Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 – 1851) làm Hội trưởng đầu tiên sáng lập mùa thu năm 1841.

Trên danh nghĩa, tôn chỉ của Hội Hướng Thiện là phụng thờ Văn Xương, vị thần văn chương – khoa cử, nhưng mục tiêu chính của Hội, như Tiến sĩ Vũ Tông Phan cho khắc trên bia, lại là để “bọn sĩ phu kết bạn với nhau, yêu cảnh này vì mến danh này mà người trong Hội tàng khí, tu thân, du ngoạn, nghỉ ngơi” và “làm những việc có ích cho mọi người qua đó mà giáo hoá họ”.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc trong cuốn Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn (tái bản, NXB Hà Nội, 2009) cho biết: năm 1966, khi ngành Văn hóa Hà Nội chuyển kho ván khắc in từ đền Ngọc Sơn xuống kho ở chùa Hưng Ký còn đếm được 1.156 bản khắc (in kinh sách).

Theo Tiến sỹ Vương Thị Hường (Viện Hán Nôm) viết trong bài Danh mục sách Hán Nôm in tại đền Ngọc Sơn – Hà Nội, Vương Thị Hường, Tạp chí Hán Nôm số 1 (42), 2000 thì có tới 242 cuốn sách và bộ sách (nhiều cuốn) được khắc in tại đền Ngọc Sơn. Rất nhiều trong số này là các sách giáng bút mang tinh thần khuyến thiện.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm), trong suốt khoảng 100 năm từ 1845 đến 1945, đền Ngọc Sơn đã là nơi in ấn tàng bản lớn của cả vùng châu thổ Bắc bộ, nơi đặt trụ sở của hội Hướng Thiện với các hoạt động thiết thực trong việc chấn hưng văn hoá dân tộc.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, với lớp phủ thần thánh bên ngoài như thế, ban đầu phong trào khuyến thiện đã phát triển rất mạnh mẽ, thuyết phục được nhiều người tin nghe và làm theo. Nhưng đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới những tệ nhảm nhí về sau, như tệ đồng cốt, cúng bái, cầu xin một cách quá đáng tại đền Ngọc Sơn, đến mức cụ Nguyễn Văn Siêu phải thốt lên: “Người xưa có câu: “Thần dựa vào người”. Nếu bỏ người mà chỉ tin thần thì đó là việc làm của bọn ngu”.

Cụ Siêu giờ đã thành ra người thiên cổ. Nhưng lời ấy của cụ thì chỉ như mới hôm qua.

c.  Về kinh sách của các hội Hướng thiện

Ban đầu, các Hội Hướng thiện chủ yếu sử dụng kinh sách cổ điển đã có sẵn của Văn Xương Đế Quân, Quan Thánh Đế Quân, cùng các kinh sách của cả ba nhà Nho – Phật – Đạo. Nội dung được chọn để giảng chủ yếu là: ngăn ngừa các thói dâm dục, tham lam, độc ác, dối trá… khuyên hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người trên, thương người nghèo khó cô quả, chuyên cần học tập, chăm chỉ làm ăn…

Sau đó xuất hiện các đàn cầu tiên giáng bút, từ đó xuất hiện nhiều bản kinh giáng bút của các vị thánh thần của riêng ViệtNam.

Một ví dụ điển hình của các kinh sách giáng bút là cuốn Kinh Đạo Nam, được cho là các tác phẩm giáng bút (năm 1923) của Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các vị nữ thánh. Trong tập kinh này, ngoài Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các vị nữ thánh, còn có nhiều vị thần thánh khác như đức Văn Xương Đế Quân, Quan Thánh Đế Quân…, các anh hùng dân tộc như Đức Thánh Trần, đức Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng, Bà Triệu…, các vị tiên nho, các nhà văn hóa như ngài Phùng Khắc Khoan, ngài Tô Hiến Thành…. cũng có nhiều tác phẩm giáng bút với nội dung khuyên dạy điều lành và khích lệ lòng yêu nước. Ảnh hưởng của cuốn Kinh ĐạoNam lớn đến mức không chỉ được dịch ra quốc ngữ, phổ biến ở miền Bắc mà còn phổ biến tới cả miền Trung, và miềnNam.

Nội dung chủ yếu của kinh Đạo Namlà khuyến khích mở rộng học vấn, khuyên nhủ về luân thường đạo lý, khuyên siêng nghề nghiệp, khuyên tiết kiệm tiền của, khuyên sửa đổi hủ tục, khuyên tu thiện đạo, khuyên mở rộng giao thiệp, khuyên quảng hợp đoàn thể, khuyên trọng giống nòi, khích lệ lòng yêu nước, khuyên phụ nữ về tam tòng tứ đức…

Trước đây, giới nghiên cứu thường tránh không đả động tới các kinh sách giáng bút vì cho rằng đây là các tác phẩm không chính thống, mang màu sắc mê tín dị đoan. Thời gian gần đây, đã có nhiều người bắt đầu tìm hiểu và có những đánh giá khách quan hơn. Và để tránh vấp phải vấn đề “nhạy cảm” là “mê tín dị đoan”, phần lớn người nghiên cứu đều cho rằng kinh sách giáng bút là do các vị có học vấn làm sẵn rồi sau đó mượn đàn cầu tiên mà giả thác được thánh thần giáng bút, mượn oai linh thần thánh để chiếm lòng tin sùng của quần chúng và khiến họ làm theo. Xin dẫn một ví dụ để minh chứng cho việc “tin nghe và làm theo” của quần chúng:

“Ở Hà Nội, ngay tới khi Pháp đã bắt đầu cai trị Hà Nội, tức đầu thế kỷ 20, vẫn có một ông già sáng sáng gánh một đôi bồ đi quanh phố phường, hễ thấy mảnh giấy nào có chữ Hán là ông nhặt bỏ vào bồ, mang vào đốt tại đình Kính Tự trong đền Ngọc Sơn”
(Trích từ cuốn “Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn”, Nguyễn Vinh Phúc, NXB Hà Nội, 2009).
(Chú thích: Đình Kính Tự giống như một cái miếu nhỏ, có mái che, giống như bể hóa vàng trong các chùa chiền, được xây trong khuôn viên đền Ngọc Sơn, dùng làm nơi đốt các giấy tờ có chữ).
 

Nguyên do việc làm của ông cụ là: trong kinh sách giáng bút của đức Văn Xương và Quan Đế có khuyên rằng “không được vứt bỏ giấy có chữ vào chỗ dơ bẩn”. Thế mới thấy sức cảm hóa của kinh sách ấy lớn đến như thế nào.

Học giả Đào Duy Anh (1904 – 1988) là một trong số ít người quan tâm tới cuốn Kinh ĐạoNamtừ rất lâu nhưng chưa “dám làm”. Năm 1982, ông trao bản kinh này cho học trò là bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, giao phó trách nhiệm nghiên cứu tiếp. Và phải chờ hơn hai chục năm sau, năm 2007, cuốn Kinh ĐạoNamdo bà Nguyễn Thi Thanh Xuân phiên âm và chú thích mới được Nhà xuất bản Lao động ấn hành.

Tham khảo bài Tìm hiểu phong trào Thiện đàn đối với cuộc vận động ái quốc – Kinh Đạo Nam viết trong tập Nhớ nghĩ chiều hôm – Hồi ký Đào Duy Anh (NXB Trẻ 2000), chúng tôi được biết, chính học giả Đào Duy Anh cũng phải coi cuốn kinh Đạo Nam là một cuốn kinh “lạ”, vì theo cụ Đào Duy Anh thì người cầm cơ (ông Nguyễn Ngọc Tỉnh) còn trẻ tuổi, trình độ vào lúc ấy cũng chưa đáng kể gì, thế mà thơ văn người ấy viết ra (xin được) tại đàn thì đều là những áng văn thơ mà “phải là những người hiệp thiệp Kinh Sử cùng Dịch Lão và đọc nhiều Tân thư mới làm nổi”, hoặc “trong thực tế không có người nào trong điều kiện bình thường mà có thể tức tịch ứng bút thành thơ thành ca thao thao bất tuyệt, mà có những câu hay, những bài có thể đặt vào loại văn rất hay được. Nếu quả có người làm được như thế thì người đó cũng là “tiên” là “thánh” rồi” (theo lời cụ Đào Duy Anh).

Năm 1929 “Đạo Nam kinh” bị chính quyền thực dân Pháp tịch thu và tiêu huỷ, ông Nguyễn Ngọc Tỉnh và những người thuyết giảng bị bắt bớ cầm tù. Nhưng phong trào thiện đàn không vì thế mà chấm dứt. Tiếp sau đó, một cuốn kinh khác – Kinh Tâm Pháp, do Đức Thánh Trần, Phùng Tướng công (Phùng Khắc Khoan), Phạm Điện Súy (Phạm Ngũ Lão) “giáng bút” – lại được phổ biến.

Lưu ý rằng Kinh Tâm Pháp được “giáng bút” cũng vào năm 1923 tại thiện đàn Phú Xuân, thôn Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), chỉ cách đền Thượng Thụy Khuê chừng 2 km !

Kinh Tâm Pháp cũng được giảng tại thiện đàn đền Ngọc Sơn và nhiều thiện đàn địa phương khác cho đến tận Cách mạng tháng Tám 1945.

Xin trích một đoạn trong Kinh Tâm Pháp để thấy tinh thần khuyến thiện:

 Lời thề


Từ rày trở về sau mãi mãi
Thề không tham của cải của người
Thề không hoa nguyệt chơi bời
Thề chừa cờ bạc, thề thôi rượu càn
Thề không dám ăn gian nói dối
Thề không còn oán mối thù xưa
Thề cứu giúp kẻ sa cơ
Thề trong việc Thiện từ giờ gắng công
Ơn cha mẹ thề không phụ bạc
Thờ sống sao thờ thác làm vầy
Nước – nhà nghĩa hợp xưa nay
Thề xin sau trước thẳng ngay một lòng
Có vợ chồng thề không lỗi đạo
Sống thủy chung giai lão bách niên
Anh em nhường dưới kính trên
Thề xin hòa mục cho yên cửa nhà
Chơi với bạn nếu mà lường gạt
Thề xin cam trừng phạt lần hồi
Thày trò nghĩa lớn ở đời
Con mà bội bạc Đức Ngài chứng tri…
 

Nếu xét về nội dung và bỏ đi lớp vỏ tạm cho là mang tính “mê tín dị đoan” thì có thể thấy các kinh sách giáng bút này đều đầy ắp một tinh thần hướng thiện cao cả. Thiết nghĩ, đó mới chính là lý do khiến cho phong trào thiện đàn phát triển mạnh mẽ như thế trong suốt một thế kỷ.

d.  Đền Thượng ra đời và ảnh hưởng của đền Ngọc Sơn

Tại sao đền Thượng ra đời ?

Đây là câu hỏi thú vị và rất khó để có thể trả lời một cách đầy đủ. Sự thực, trong cách nhìn nhận của chúng tôi thì đền Thượng là một điều gì đó rất đặc biệt. Đặc biệt là ở chỗ, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng thì có nhiều, nhưng thờ Văn Xương Đế Quân thì rất hiếm, và song thờ cả Văn Xương Đế Quân và Quan Thánh Đế Quân thì càng hiếm hơn. Đó là chưa nói đến sự đặc biệt trong thiết kế kiến trúc, trong tuyên ngôn “Tham thiên tán hóa” ghi trên tấm hoành phi của ngôi đền.

Vậy tại sao lại xuất hiện đền Thượng?

Nếu nói rằng đó là do lòng ngưỡng mộ của đông đảo người dân đối với đức Văn Xương và Quan Đế thì rõ ràng là đúng, nhưng có vẻ quá dễ dàng, đơn giản và không xứng tầm với sự đặc biệt của ngôi đền, vì thực tế là Văn Xương Đế Quân không phải là vị được thờ phổ biến ở nước ta.

Vậy có phải đó là xuất phát từ ước nguyện của đông đảo người dân nói chung và lớp nho sỹ nói riêng, mong muốn thờ phụng vị thánh chủ về văn chương khoa cử để hộ trì cho con đường học hành thi cử và hoạn lộ chăng ? Đương nhiên ước nguyện này là có, rất chính đáng và không thể phủ nhận được. Nhưng theo chúng tôi, lý giải đó cũng chưa hoàn toàn hợp lý, hoặc chưa đủ, bởi vì ước nguyện như thế thì thời nào cũng có, vậy tại sao phải chờ tới 1876 đền Thượng mới được khởi công xây dựng ?

Có thể thấy, thời điểm ngôi đền được xây dựng là thời điểm đang xảy ra những biến động rất lớn của đất nước, với việc chính quyền phong kiến đã lún sâu vào sự suy đồi và hàng loạt cuộc nổi loạn và khởi nghĩa lớn nhỏ bùng phát khắp nơi (riêng thời Minh Mạng (1820-1841) có 250 cuộc), với việc Pháp bắt đầu xâm lược nước ta năm 1858, đánh thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873 và lần thứ hai năm 1882, ngay đúng vào thời điểm ngôi đền được xây dựng và hoàn thành, và với phong trào thiện đàn, khuyến thiện, chấn hưng văn hóa dân tộc và yêu nước chống Pháp đang diễn ra rất sôi động và mạnh mẽ trên khắp cả nước, đặc biệt là ở vùng đồng châu thổ Bắc bộ, và đặc biệt hơn nữa là tại Hà Nội và khu vực phụ cận.

Vì vậy, chứng tôi thử đi tìm một câu trả lời khác, một cách nhìn khác, nhằm hiểu thêm về lý do đền Thượng ra đời.

Vẫn theo tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện trong bài viết đã dẫn, niên đại sớm nhất của các văn bản giáng bút hiện tìm được là năm 1825 (có thể còn có văn bản xuất hiện sớm hơn); thời gian xuất hiện nhiều văn bản giáng bút nhất là 1870–1898 và 1906–1911. Trong khi đó, đền Thượng ra đời trong khoảng thời gian từ 1876 – 1881, đúng vào thời điểm xuất hiện nhiều văn bản giáng bút khuyến thiện và khích lệ lòng yêu nước nhất.

Vì thế, chúng tôi cho rằng ngoài sự ngưỡng mộ và ước nguyện như trên đã nói thì yếu tố quyết định đến sự ra đời của đền Thượng chính là phong trào thiện đàn, khuyến thiện, chấn hưng văn hóa dân tộc, chống lại sự suy đồi của xã hội trước sự xâm thực của văn minh ngoại lai phương Tây, trong đó đền Ngọc Sơn đóng vai trò hạt nhân quan trọng, với các hoạt động thường xuyên và tích cực của Hội Hướng thiện và các danh sỹ có ảnh hưởng cực lớn lúc bấy giờ như Tiến sỹ Vũ Tông Phan (1800 – 1851), Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) (thần Siêu), Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền (18681925) và nhiều vị khác nữa.

hình mẫu cho đền Thượng khi ấy chính là đền Ngọc Sơn.

Chúng tôi cho rằng lý giải này là khá hợp lý, đặc biệt là khi so sánh đền Thượng với đền Ngọc Sơn.

Có thể thấy đền Thượng đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đền Ngọc Sơn, cả về kiến trúc (cũng có gác chuông như đền Ngọc Sơn; lưu ý, gác chuông trong cơ sở Đạo giáo là đặc điểm hiếm gặp), các vị được thờ phụng (Văn Xương và Quan Đế), và tôn chỉ mục đích (giáo hóa nhân sinh). Đặc biệt là đền Thượng cũng có hội Thiện như ở đền Ngọc Sơn.

Mặt khác, còn có một bằng chứng nữa củng cố thêm cho lý giải này. Đó là: ngoài đền Thượng còn có một cơ sở tín ngưỡng khác cũng ra đời từ phong trào thiện đàn và chịu ảnh hưởng lớn từ đền Ngọc Sơn. Đó là Văn Hiến đường tại làng Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng).

Văn Hiến đường ra đời vào năm 1908 – 1909, cũng lại vào giai đoạn xuất hiện nhiều thiện đàn và kinh sách giáng bút nhất (1906 – 1911).

Theo phát biểu của ông Nguyễn Quý Đào, Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ, trong lễ Kỷ niệm 909 năm ngày sinh danh nhân Tô Hiến Thành tại Văn Hiến đường ngày 24 – 2 – 2011 thì Văn Hiến Đường xưa kia là Văn chỉ thờ Khổng Tử; năm Duy Tân thứ hai (1908)  sau lễ giáng bút tại chùa Hải Giác (Đinh Mùi – 1907) các nho sĩ và nhân dân Hạ Mỗ tiến hành sửa sang, quy hoạch lại thành đền Văn Hiến ngày nay. Đền Văn Hiến thờ Khổng Tử, Tam Thánh gồm Văn Xương đế quân, Quan Thánh đế quân, Phù Hựu đế quân (Lã Tổ), và hai vị đại hiền của làng Hạ Mỗ là Thái Úy Tô Hiến Thành và quan nghè Đỗ Trí Trung, nhưng nhân dân vẫn quen gọi là đền thờ Đức Thánh Tô (Tô Hiến Thành).

Có thể thấy, sự ra đời của Văn Hiến đường hoàn toàn là do người dân bị thuyết phục bởi các thiện đàn cầu tiên trước đó tổ chức tại làng. Mặc dù vốn là Văn chỉ thờ Khổng Tử (Nho giáo) nhưng khi thành Văn Hiến đường thì thờ thêm Tam thánh gồm Văn Xương, Quan Đế và Lã Tổ (Đạo giáo).

Điểm cần lưu ý là các vị thánh thần giáng bút thì có rất nhiều, nhưng tại sao Văn Hiến đường chỉ đưa ba vị Tam Thánh nói trên vào thờ tự. Câu trả lời là: Văn Hiến đường đã được mô phỏng theo đền Ngọc Sơn, nơi cũng thờ ba vị Tam Thánh đó.

Nói về thiện đàn và kinh sách giáng bút, theo chúng tôi biết thì hiện tại ở chùa Bối Am vẫn còn lưu giữ một bộ ván khắc in kinh Phạm Võng (5 bản khắc). Rất có thể đây là bằng chứng cho thấy chùa Bối Am – đền Thượng đã là nơi in ấn, phổ biến, giảng giải kinh sách khuyến thiện trong phong trào thiện đàn nói trên. Mặt khác, chủ trương giáo hóa nhân sinh của đền Thượng như tuyên ngôn trên bức hoành phi “Tham thiên tán hóa” của đền Thượng cũng có thể là bằng chứng cho thấy đền Thượng ra đời là để hưởng ứng phong trào thiện đàn kể trên. Chúng tôi rất tin vào điều này và cũng tin rằng sau này các nhà nghiên cứu sẽ nghiên cứu khảo sát cụ thể và chi tiết hơn để giúp khẳng định.

Quá trình cũ – mới, hoại – diệt đang diễn ra rất gấp gáp. Nếu việc sưu tầm, khảo cứu không được thực hiện nhanh chóng thì e rằng tư liệu, hiện vật, bằng chứng sẽ ngày càng thất thoát đi và việc nghiên cứu sẽ càng khó khăn hơn.

 


([1]) Thông tin về Đơn vị đo diện tích cổ của Việt Nam có thể tham khảo tại đây. Văn bia đền Thượng được cung cấp tại mục Những giá trị văn hóa. Chư vị có thể sử dụng để tự tính.

([2]) Dùng theo chữ của cụ Đào Duy Anh viết trong Hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm

Leave a comment